VÀI Ý KIẾN VỀ BÀI THƠ : HAI BÀ TRƯNG
Đó là bài học thuộc lòng đầu tiên trong đời khi tôi vừa đọc trơn tru chữ Quốc ngữ. Đó là bài học đầu tiên tôi đọc một mạch từ đầu tới cuối, chỉ nghỉ ở cuối mỗi câu cho đủ ý nghĩa, chứ không bị vấp váp như những bài trước đó. Đó cũng là bài văn vần Quốc ngữ đầu tiên bố tôi chép ra cho tôi từ một cuốn sách chữ Nôm, bố tôi bảo đó là cuốn: “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” bố tôi đã mượn tại Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được bố tôi giảng giải cho biết về Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà vào thập niên thứ ba và thứ tư theo Dương lịch. Cũng kể từ đó, bố tôi đã un đúc lòng ái quốc và tình yêu nòi giống Lạc Hồng trong tôi. Ông giảng giải cho tôi nhiều nhưng đến nay tôi chỉ lõm bõm nhớ được vài điều.
(Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca)
Trần Đình Ngọc
Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã tiến gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục, hai là Bá vương
Uy danh động đến bắc phương
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi chống với anh hùng được nao?
Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo
Chị em thất thế phải liều với sông!
http://vienxumagazine1.com/images518103_HaiBaTrung-tranh.jpg
Đó là bài học thuộc lòng đầu tiên trong đời khi tôi vừa đọc trơn tru chữ Quốc ngữ. Đó là bài học đầu tiên tôi đọc một mạch từ đầu tới cuối, chỉ nghỉ ở cuối mỗi câu cho đủ ý nghĩa, chứ không bị vấp váp như những bài trước đó. Đó cũng là bài văn vần Quốc ngữ đầu tiên bố tôi chép ra cho tôi từ một cuốn sách chữ Nôm, bố tôi bảo đó là cuốn: “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” bố tôi đã mượn tại Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được bố tôi giảng giải cho biết về Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà vào thập niên thứ ba và thứ tư theo Dương lịch. Cũng kể từ đó, bố tôi đã un đúc lòng ái quốc và tình yêu nòi giống Lạc Hồng trong tôi. Ông giảng giải cho tôi nhiều nhưng đến nay tôi chỉ lõm bõm nhớ được vài điều.
Đại khái bố tôi nói cách đây hai ngàn năm mà hai người đàn bà Việt -bà Trưng Trắc và bà Trưng Nhị- có tinh thần quật khởi như thế, vì đại nghĩa Dân tộc đứng lên đánh đuổi quân Tàu, giành lại nền Độc lập, tự chủ cho nước nhà, dù chỉ làm vua và cai trị được ba năm nhưng dòng máu anh hùng, tinh thần bất khuất ấy có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới. Thời cận đại, nước Pháp có Jeanne d’Arc nhưng Jeanne d’Arc không thể so sánh với Trưng Nữ Vương về cả chiến công lẫn ý chí anh hùng quật cường. Một vài vị nữ lưu ở vài quốc gia khác cũng đáng mặt anh thư nhưng so với Hai Bà Trưng của Việt Nam ở vào năm 40, một thời kỳ nhân loại còn sống trong hoang sơ, cổ lỗ gần như khuyết sử thì tinh thần anh hùng quật khởi của Hai Bà Trưng quả là không tiền khoáng hậu trong dòng lịch sử nhân loại thế giới.
Tôi say mê nghe bố tôi nói, trong lòng thầm nghĩ nếu tôi được sống vào thời của Hai Bà, tôi quyết xung phong làm một binh sĩ của Hai Bà hoặc khá hơn, làm Quản tượng cho hai bà. Cũng kể từ đó, trong tâm thức của tôi, người Tàu, và sau này, người Nhật, người Pháp là những giống dân xâm lăng, khát máu, đưa dân tộc tôi đến đói khổ, nhục nhằn của kiếp nô lệ.
Tôi vẫn ngâm nga bài thơ quốc ngữ đầu đời bố dạy mỗi khi rảnh rỗi và dạy lại những đứa con tôi từ khi chúng học tiểu học. Nhưng càng ngày tôi càng thấy có sự vô lý trong mấy câu thơ tôi đã học thuộc lòng từ buổi thiếu thời kia. Nhất là khi vào học tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, môi trường bắt tôi phải tìm tòi và đào sâu văn chương, văn hóa Việt. Tại sao lại gọi hai vị nữ anh hùng Việt Nam là Nữ Nhi và gọi Mã Viện, một tên hung tàn cướp nước gây hấn ngoại bang là anh hùng? Tác giả Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái tất nhiên không phải là người không yêu nước, nhưng sao lại có những từ dùng kỳ quái như vậy? Thôi rồi, tôi đã nghĩ ra. Viết Sử bằng văn xuôi đã khó vì nhiều khi Sử gia không thể kể hết tình tiết éo le, khúc mắc của những biến cố Quốc gia trọng đại đã xảy ra, ấy là chưa kể tinh thần vô tư, khách quan, Sử gia phải có khi thuật lại những cuộc tranh giành, những cái hay cũng như những cái dở của hai phe, hai dòng họ, hai cá nhân tranh hùng, tranh thắng. Thí dụ: quan chép Sử của Nguyễn triều (từ Gia Long trở về sau) khó lòng có được một sự vô tư, khách quan cần thiết khi nói về vua Quang Trung nhất là những trận đánh giữa vua Quang Trung và vua Gia Long, khi vua Gia Long phải trốn chui trốn nhủi chạy ra tận đảo Phú Quốc.
Viết Sử bằng văn vần còn khó thêm một bậc vì thơ phải tuân theo niêm luật và vần. Không niêm luật và vần thì thơ không ra thơ mà văn xuôi cũng chẳng ra văn xuôi. Ngay thời cận đại, vào khoảng thập niên 30, bàn về thơ (niêm, luật bằng trắc, vận) các bậc tiền bối của chúng ta, những vị thâm Nho và rành chữ Nôm, đã phải kêu lên: “khó cho thiên hạ đến bao giờ!” để nói lên cái khó khăn khi diễn đạt tư tưởng bằng thơ (văn vần). Làm thơ ngẫu hứng, “tức cảnh sinh tình”, để ca tụng cái đẹp của thiên nhiên, của con người và tình cảm con người thì tương đối dễ vì nó cho ta sự lựa chọn, ta được tự do kiếm đề tài và thể loại thơ. Làm thơ để mô tả những biến cố lịch sử của một quốc gia thì khó gấp trăm lần, vì biến cố nhất định và thể thơ nhất định (đã chọn).
Vì vậy, với bài thơ “Hai Bà Trưng” đã dẫn ở trên tôi xin có những ý kiến thô thiển sau đây:
1/ Tác giả ĐNQSDC có ý đề cao Hai Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị nhưng diễn tả bằng thơ, nói không hết ý.
2/ “Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi chống với anh hùng được nao?”
Tác giả thấy chữ hùng ở câu 8, vần với chữ vùng ở câu 6, cho là thanh thỏa về vận rồi, không ngờ rằng (hoặc có nhìn ra, nhưng thấy khó sửa) câu thơ hạ giá hai vị Nữ Anh Hùng của nước ta mà lại mặc nhiên xưng tụng kẻ thù (Mã Viện) là anh hùng. Điều đó tủi hổ cho vong linh Hai Bà và làm nhục Quốc thể chỉ vì vài câu lục bát không đạt hết ý. Nhân tiện, chúng ta cũng đi sâu vào từ anh hùng để xem Hai Bà có xứng đáng với danh từ đó không?
Theo sự suy luận của người bình dân, của quảng đại quần chúng thì anh hùng là người quên mình cho đại nghĩa, mở ra con đường sống cho dân tộc hoặc cho một nhóm người. Người anh hùng không tham sống, sợ chết. Người anh hùng lấy cái chết để trả nợ Non Sông (như Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Yên Bái), như Nguyễn Biểu, như Trần Bình Trọng v.v... Hai Bà có đảm lược đứng ra mộ quân, chống lại giặc Tàu xâm lược. Hùng khí ấy, ngay ở nam giới cũng hiếm, nói gì phụ nữ. Khi núng thế, thua trận, vì quan quân binh mã ít so với giặc Tàu nước lớn, người đông gấp trăm lần, Hai Bà mượn dòng nước sông Hát tự trầm để tránh cái nhục rơi vào tay giặc. Người chí khí như thế không phải là anh hùng sao? Trong khi Mã Viện cậy đông, lấy thịt đè người, nếu có thua cũng đến cúp đuôi chạy về Tàu như Tô Định mà thôi, thì có chi là anh hùng?
Con cháu Hai Bà Trưng -trong đó có chúng ta- là nạn nhân của mấy câu thơ khó khăn về luật bằng trắc, về vần... Ở thế kỷ thứ 21 này chúng ta đâu có chịu ngâm nga mấy vần thơ “vô ý thức” kia mãi. Chẳng những vậy, chúng ta còn còn phải viết sử, làm văn... đề cao chiến tích oanh liệt, oai hùng và công đức cao dày của Hai Bà đối với dân tộc Việt Nam để mỗi năm, đến ngày mồng Sáu tháng Hai (âm lịch) chúng ta lại long trọng làm lễ tưởng niệm Hai Bà và khuyên mọi người, nhất là con cháu chúng ta, hãy noi gương Hai Bà phấn đấu cho một nước Việt Nam Hòa Bình, Dân Chủ, Tự Do và phú cường.
Vì vậy, bài thơ: “Hai Bà Trưng” ở trên xin được nhuận sắc như sau:
HAI BÀ TRƯNG
Trích: Đại Quốc Sử Nam Diễn Ca
Trần Đình Ngọc nhuận sắc những chữ gạch dưới, in đậm.
Bà Trưng quê ở châu Phong
Hận phường tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã tiến gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục, hai là Bá vương
Uy danh động đến bắc phương
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Anh Thư chống với cường đồ được nao?
Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà núng thế đành liều với sông!
Chú thích: Dùng chữ Hận Phường để thay thế chữ Giận người để nói lên sự thù hận quân hung tàn, cướp nước. “Giận”, chữ dùng quá nhẹ và “người”, không được đúng. Kẻ đã giết chồng mình và đặt ách nô lệ lên đầu lên cổ dân tộc mình chính là quân cẩu trệ, không xứng đáng danh từ “người”.
Từ Anh Thư thay thế cho từ Nữ Nhi vì như đã trình bày, Hai Bà không chỉ là những phụ nữ quần vận yếm mang mà còn là những bậc Anh Thư, Anh Hùng hiếm có trong lịch sử.
Từ cường đồ thay thế từ anh hùng, chỉ Mã Viện, quân xâm lăng, cướp nước, thiết nghĩ rất thích hợp với Mã Viện.
Câu cuối: Chị em thất thế phải liều với sông. Xin được sửa là: Hai Bà núng thế đành liều với sông. Dùng từ “Hai Bà” ở đây để tỏ lòng kính trọng vì Hai Bà lúc đó đã là vua nước Nam (Chánh, Phó vương) chứ không giống như “Chị em nặng một lời nguyền” ba năm trước, lúc uống máu ăn thề quyết tận diệt quân Hán xâm lăng. Hai Bà chỉ núng thế vì quân Hán quá đông, quân ta quá ít, vả chưa đủ thời gian luyện tập võ nghệ, chứ không thất thế. Thất thế là thất bại hoàn toàn.
Nhuận sắc 3 câu thơ lục bát không được chỉnh trong ĐNQSDC, chúng tôi chỉ muốn trả lại cho đúng chí khí tiết tháo, anh hùng của Hai Bà mà mọi người dân Việt đều lấy làm hãnh diện khi nhắc đến, không có ý gì khác. Chúng tôi cũng mong mỏi từ nay, khi chép lại đoạn sử này về Hai Bà, hoặc để trong các trường học cho con cháu chúng ta học, những câu đã nhuận sắc của chúng tôi sẽ được dùng để thay thế những câu cũ của nguyên tác, đã sai ngay từ khi mới được viết xuống mà có lẽ tác giả đã thờ ơ hoặc ngại khó khi phải sửa những câu thơ mà theo tác giả đã tạm được.
http://diendan.zing.vn/archive/index.php/t-1160291.html